Lần đầu làm quản lý chắc hẳn sẽ mang lai cho bạn nhiều hứng khởi, nhưng bạn cũng sẽ đối mặt với nhiều điều không lường trước khác. Dưới đây cũng là kinh nghiệm của Jill Nelsen, một quản lý nhà hàng thức ăn nhanh với chuyên ngành học trước đó là kế toán. Nelsen đã nghĩ rằng công việc của cô ấy chủ yếu là tuyển dụng nhân viên và tính toán số liệu kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế thì Nelsen dành hầu hết thời gian để huấn luyện những nhân viên trẻ lóng ngóng lần đầu đi làm, sắp xếp các ca trực thiếu người, và thậm chí là tìm người để lau dọn sàn nhà sau một ngày làm việc dài 12-16 tiếng.
Nelsen chia sẻ rằng: “Quản lý là những thứ mà bạn chủ động làm lấy chứ không đợi ai đó hướng dẫn“
Theo Connie Sittery, người sáng lập trung tâm huấn luyện quản lý Fort Worth, cho rằng hầu hết các công ty đều tưởng thưởng cho nhân viên bằng cách đề bạt họ lên làm quản lý mà không cần quan tâm liệu họ đã sẵn sàng hay chưa.
Sitterly cho biết: “Sai lầm lớn nhất của quản lý cấp cao là đề bạt nhầm người. Chẳng hạn, một chuyên gia lập trình có thể giỏi về chuyên môn nhưng chưa chắc họ đã có kỹ năng quản lý con người“.
Dù thích hay không, bạn phải phát triển những kỹ năng quản lý và thay đổi cách suy nghĩ về công việc để hoàn thành tốt vai trò quản lý. Dưới đây, Top Olympia xin chia sẻ một số bí quyết mà nhiều cấp quản lý ước rằng họ biết chúng từ sớm hơn.
Quản lý là không phải vì bản thân
Florence Stone, người phát ngôn của Hiệp hội quản lý Mỹ AMA, cho rằng: “Với tư cách là một quản lý, sự khác biệt cơ bản là bạn sẽ không còn được đánh giá như một sự đóng góp cá nhân vào tổ chức nữa. Bạn phải làm việc với các nhân viên để cùng đạt được các thành tích chung cho bộ phận và mục tiêu của tổ chức. Vai trò của bạn là hợp tác và hỗ trợ nhân viên làm việc năng suất và hiệu quả“.
Stone có một số gợi ý sau dành cho những người vừa làm quản lý:
- Xác định mục tiêu của bộ phận và xác định các nguồn lực cần thiết để đạt được chúng
- Biết được nhu cầu của từng cá nhân và tìm ra đâu là động lực làm việc của họ
- Quan sát từng thuộc cấp của mình để biết được liệu họ có đủ kiến thức, kỹ năng và động lực để hoàn thành tốt công việc hay không
- Phân bổ nhiệm vụ và trách nhiệm để đạt được các mục tiêu của bộ phận
- Đề ra những kỳ vọng rõ ràng, được nhận thức bởi bạn và nhân viên
- Hướng dẫn từng cá nhân để cải thiện thành tích công việc và phát triển nghề nghiệp
- Sẵn sàng cho những tình huống ngoài ý muốn
Những mục tiêu chung
Joni Wright là người có kinh nghiệm của cả nhân viên và quản lý. Khi còn là nhân viên, Joni đã cố gắng để tìm hiểu sếp kỳ vọng điều gì ở cô ấy. Và giờ đây, khi làm quản lý tại công ty Twun Cities, Joni đang nỗ lực giải thích cho nhân viên cô ấy kỳ vọng điều gì ở họ. Những người vừa làm quản lý cần phải hiểu rằng cho dù có sự khác biệt về chức vụ và trách nhiệm, nhưng mục tiêu sau cùng của họ là như nhau.
Joni Wright chia sẻ: “Cả quản lý và nhân viên có nhiều sự tương đồng hơn họ nghĩ. Mặc dù nhiệm vụ của họ là khác nhưng họ cùng muốn nhiều thứ giống nhau. Một trong những sự tưởng thưởng lớn nhất với nhân viên là niềm vui và sự thành công trong công việc. Còn với quản lý – đó là khi thấy nhân viên của họ có được niềm vui và thành công“.
Tuy nhiên, theo Tom Cronin, quản lý tại công ty Twinings and Company, dù là ai thì họ cũng là con người, họ vẫn có sự khác biệt và bất thường. Cronin cho biết: “Bạn phải hiểu rằng mọi người đều khác biệt, và khi làm quản lý, bạn phải biết cách linh hoạt điều chỉnh để giúp họ thành công. Sẽ có lúc bạn không đồng ý với những việc họ làm, nhưng kết quả cuối cùng mới là quan trọng nhất. Đối xử với nhân viên bằng sự tôn trọng, cung cấp những hướng dẫn và sự lãnh đạo mà họ kỳ vọng. Hãy nhớ rằng, con người vẫn là con người dù họ làm vị trí gì đi nữa”.
(Lược dịch)