CHÀO MỪNG NGÀY DOANH NHÂN VIỆT NAM 13/10

DOANH NHÂN VIỆT NAM – VƯƠN TẦM THẾ GIỚI

Z2839001577042 8a4e22d3d267ad1ff96c7362b8d8f71c

Trước đây, khi nói đến người kinh doanh, người ta gọi là “Con buôn” với một sự miệt thị. Ngày nay, những người làm nghề kinh doanh được gọi là “Doanh nhân”. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, họ là lực lượng đóng vai trò quan trọng. Sứ mệnh và trọng trách của họ chính là thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển và tạo nên vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.

Bạch Thái Bưởi – Doanh nhân tiêu biểu đầu tiên của Việt Nam

Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Yên Phúc, nay là Phường Phúc La, Quận Hà Đông, Hà Nội. Từ nhỏ, ông đã phải giúp đỡ mẹ bán hàng rong kiếm sống. Cha mất sớm, một người nhà giàu họ Bạch nhận ông làm con nuôi, cho ông đi học và đổi từ họ Đỗ sang họ Bạch. Một thời gian sau, ông thôi học đi làm thư ký cho công sứ Pháp là Bonnet ở phố Tràng Tiền, Hà Nội. Làm việc khoảng một năm, Bonnet cho ông về Pháp tham dự cuộc triển lãm Boocdo. Đến Pháp, ông ra sức tìm tòi, học hỏi cách làm việc của người Pháp. Về nước, ông xin nghỉ việc thư ký, quyết tâm đi vào con đường doanh nghiệp.

Mở đầu sự nghiệp kinh doanh của ông là hợp tác với một nhà thầu người Pháp cung cấp gỗ làm tà-vẹt cho công trình đường xe lửa nối liền Hà Nội- Sài Gòn. Sau 3 năm, ông học được nhiều kinh nghiệm làm ăn, đồng thời cũng tích luỹ được một số vốn mở tiệm cầm đồ. Từ năm 1906, ông còn thầu thuế ở Nam Định, Thanh Hoá, mở hàng cơm ở Thanh Hoá, Công ty rượu ở Thái Bình. Năm 1909, ông bước vào lĩnh vực kinh doanh vận tải đường sông, đường biển với việc đặt tên các con tàu là tên các anh hùng dân tộc và câu nói bình dị mà hàm chứa lòng tự hào dân tộc “Người Việt Nam, đi tàu Việt Nam” nên việc kinh doanh ngày càng phát đạt, thâu tóm hầu hết các hãng vận tải của người Pháp và người Hoa. Năm 1928 dự đoán trong tương lai ngành than đá sẽ phát triển mạnh, ông chuyển nhượng lại toàn bộ Công ty tàu thuỷ cho hãng Sauvage để lấy vốn đầu tư khai thác than đá, mua lại hai hầm mỏ của người Pháp ở Bí Chợ và Cẩm Thực (tỉnh Quảng Yên) và một lần nữa, ông đã thành công. Than của Ông được thị trường nội địa tiêu thụ và xuất khẩu ra nhiều nước mà khách hàng chính lại là Pháp và Nhật. Xuất thân từ người lao động làm thuê nên ông rất quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của 2500 công nhân làm việc trong công ty mình.

Cùng với đóng góp về phát triển kinh tế, đóng góp quan trọng thứ hai của Bạch Thái Bưởi thuộc về lĩnh vực văn hoá. Ông bỏ vốn xây dựng nhà in lớn ở Hà Nội thời bấy giờ, mang tên “Đông kinh ấn quán” và xuất bản tờ Nhật Báo khai hoá (số đầu tiên ra ngày 15/7/1921). Tuy tờ Nhật báo khai hoá chỉ ra được 22 số rồi đình bản. Nhưng sự khởi động về văn hoá của nó rất tiến bộ và rất đáng được trân trọng.

Bạch Thái Bưởi không chỉ là tấm gương “làm giàu với hai bàn tay trắng” mà còn mong muốn tất cả người Việt Nam vào con đường thực nghiệp làm giàu.

Khi nhận định về ông, Hội khai trí Tiến Đức cho rằng: “Ông là một bậc Vĩ nhân đất Bắc, một bậc trượng phu nơi thương trường mà cuộc đời của ông đáng phô bầy cho quốc dân, sự nghiệp của ông đáng làm gương cho các nhà buôn bán noi theo”. ứng Hoè Nguyễn Văn Tố – Một bậc túc nho trong Hội truyền bá chữ quốc ngữ viết về Bạch Thái Bưởi trong tạp chí Đông Thanh là: “Bậc anh hùng kinh tế thứ nhất trong kinh tế giới nước nhà”.

Sự nghiệp của Ông, những thành công trong kinh doanh của Ông luôn thể hiện tinh thần và lòng tự hào dân tộc. Nhờ đó mà Ông đã vượt qua những khó khăn, đưa đến những thành công. Ông đã để lại cho giới Doanh nhân Việt Nam một tấm gương cao đẹp, một ý chí làm giàu và một nghị lực phi thường trong cuộc cạnh tranh thương mại với các doanh nhân trong nước và quốc tế. Hình ảnh của ông đã được Ban tổ chức Hội chợ Eximpo và sự bảo trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng “Giải thưởng Bạch Thái Bưởi” làm biểu tượng cho chí làm giàu của Doanh nhân thời nay. Đây là giải thưởng uy tín được tổ chức định kỳ hàng năm vào dịp ngày 13/10 (ngày Doanh nhân Việt Nam) nhằm tôn vinh và biểu dương các doanh nhân tiêu biểu.

Vị thế của doanh nhân đã được khẳng định

Ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết một bức thư gửi cho giới Công thương Việt Nam. Bức thư có đoạn “… Hiện nay Công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích lợi quốc dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng.

Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng…”.

Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, bức thư của Hồ Chủ tịch vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện đường lối đúng đắn và chỉ dẫn mang tính chiến lược của Người đối với việc khẳng định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong xây dựng và kiến thiết đất nước.

Để phát huy vai trò, truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội trong việc góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo đề nghị của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp, ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về “Ngày Doanh nhân Việt Nam”. Theo đó, hằng năm lấy ngày 13/10 là “Ngày doanh nhân Việt Nam”. Việc Thủ tướng Chính phủ quyết đinh lấy ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, đó chính là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới Công thương Việt Nam ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Ngày 09/12/2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09-NQ-TW về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết nêu rõ quan điểm chỉ đạo và mục tiêu phương hướng, nhiệm vụ trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam như sau:

Về quan điểm chỉ đạo: Bộ Chính trị khẳng định: Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế; Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, nâng cao trình độ, kiến thức toàn diện của doanh nhân, chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân. Xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân phải gắn liền với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền sở hữu và tự do kinh doanh của doanh nhân theo pháp luật, khuyến khích doanh nhân làm giàu cho mình và cho đất nước. Tăng cường mối liên kết, hợp tác, đoàn kết cùng có lợi giữa doanh nhân với công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Mục tiêu: Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; không ngừng phát triển, phấn đấu đến năm 2020 có một số doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.

Phương hướng, nhiệm vụ: Nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân; Hỗ trợ đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn; Quan tâm, tạo chuyển biến trong đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân; Đề cao đạo đức, văn hoá kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa; Phát huy vai trò của các tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.

Đây là chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân; hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tự tin góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế.

Doanh nhân Việt Nam vươn tầm thế giới

Từ những năm đầu thế kỷ XX lại nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có sự trưởng thành và phát triển nhanh chóng, nhất là từ khi nước ta bước vào công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Đến nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về sô lượng và chất lượng, ngày càng có vai trò trụ cột, động lực cơ bản cho phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế. Với trên 715 nghìn doanh nghiệp và khoảng 5 triệu hộ kinh doanh (trong đó có 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký) thì số lượng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lên đến trên 5 triệu người. Đóng góp hàng năm của doanh nghiệp trên 60% GDP, khoảng 70% thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động.

Hãng nghiên cứu thị trường Statista của Đức cho biết, số triệu phú đô la ở Việt Nam tăng liên tục. Năm 2013 có 10.000 người, năm 2017 tăng lên 11.790 người, năm 2018 là 12.330 người và dự kiến năm 2023 sẽ đạt 15.780 người.

Theo danh sách tỷ phú thế giới năm 2021 Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố cho thấy, Việt Nam năm nay có 6 đại diện gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang. Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng- Chủ tịch Vingroup lần thứ 9 góp mặt, với tài sản 7,3 tỷ USD, đứng thứ 344 thế giới và tăng so với năm ngoái. Ông Vượng lần đầu được Forbes vinh danh năm 2013, với 1,5 tỷ USD, đứng thứ 974.

Hiện nay, lực lượng nữ doanh nhân thành danh, khẳng định vị thế trên thương trường và có tầm ảnh hưởng đến xã hội ngày càng nhiều, trong đó xuất hiện nhiều nữ doanh nhân trẻ tài năng, bản lĩnh, sáng tạo và thành công trên thương trường. Điển hình, năm 2019, Tạp chí Forbes chọn 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á, trong đó Việt Nam có hai đại diện là Nguyễn Thị Phương Thảo- Nhà sáng lập và Tổng giám đốc Vietjet Air, Trần Thị Lệ- Tổng giám đốc NutiFood. Năm 2021, lần thứ 5 bà Thảo tiếp tục được Tạp chí Forbes chọn là tỷ phú thế giới duy nhất của Việt Nam với tài sản 2,8 tỷ USD, đứng thứ 1.111.

Đặc điểm nổi bật của đội ngũ doanh nhân thế hệ mới là sự gia tăng các doanh nhân trẻ. Điều này đồng nghĩa với sự gia tăng tri thức, năng lực tiếp thu cái mới, tính năng động và quyết đoán, khả năng hội nhập toàn cầu… Phần lớn họ đều thành công ở các lĩnh vực kinh tế sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế số và đầu tư khởi nghiệp. Trong danh sách Forbes  30 under 30 Asia năm 200, Việt Nam có 8 doanh nhân trẻ được vinh danh gồm: Hoàng Nguyễn (29 tuổi)- Đồng sáng lập của Buymed; Nghiêm Xuân Huy (28 tuổi)- Nhà sáng lập Finhay; Nguyễn Thị Ngọc Huyền (26 tuổi)- Nhà sáng tạo Medlink Asia; Hàn Ngọc Tuấn Linh (29 tuổi) – Nhà sáng lập VSV Capital; Phạm Khánh Linh (27 tuổi)- Nhà sáng lập Logic Van; Nguyễn Thị Thu Trang (31 tuổi)- Nhà sáng lập Tổ chức WildAct; Hà Thị Tú Phượng (27 tuổi)- Nhà sáng lập kiêm CEO của Metub; Phùng Tuấn Đức (33 tuổi)- CEO của Gojek Việt Nam.

Trong những năm gần đây, doanh nhân Việt Nam với khát vọng làm giàu cho đất nước khẳng định giá trị thương hiệu toàn cầu đã đầu tư ra nước ngoài. Đây cũng là cách để xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam tốt nhất, góp phần tạo chuỗi cung ứng trong – ngoài nước liền mạch và doanh nghiệp Việt Nam sẽ bắt tay với doanh nghiệp nước ngoài với tâm thế bình đẳng. Tiêu biểu như: Tập đoàn Vingroup với sự hiện diện của Vsmart ở Tây Ban Nha, VinFast ở Đức, VinTech ở Hàn Quốc…; Tập đoàn Viettel đã đầu tư tại 10 quốc gia (Campuchia, Lào, Myanmar, Đông Timor, đến Burundi, Mozambique, Tanza- nia, Cameroon, Haiti, Peru); Tập đoàn FPT trở thành đối tác của các hãng hàng đầu thế giới về công nghệ (IBM, Microsoft, Apple, Amazon); Vinamilk đã có mặt tại 43 thị trường trên thế giới…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ tính trong 8 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp trong nước đã đầu tư ra nước ngoài 40 dự án mới, với tổng vốn đăng ký đầu tư mới khoảng 150,1 triệu USD và 13 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn 424,9 triệu USD tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Phát huy truyền thống yêu nước, trách nhiệm công dân, đội ngũ doanh nhân thế hệ mới đóng vai trò quan trọng trong giải phóng lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế- xã hội; hình thành cơ cấu xã hội và quan hệ xã hội mới, hệ giá trị và lối sống phù hợp với điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội; hình thành một tầng lớp xã hội mới, tham gia ngày càng đông đảo vào các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội và có vị thế ngày càng quan trọng hơn trong hệ thống chính trị – xã hội…

————-

Tài liệu tham khảo:

https://hatinh.gov.vn

https://haiphong.gov.vn

Tin tức, Đọc báo Online, Tin tức MeKong-ASEAN

 


Chia sẻ lên mạng xã hội

Tin tức khác