Trước sự đổ bộ này, một số người lo ngại rằng các thương hiệu Trung Quốc giá rẻ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ngành thực phẩm và đồ uống trong nước.
Phủ sóng với loạt cửa hàng quy mô nhỏ gọn “mọc lên như nấm”, đặc biệt giá cực mềm khiến Mixue, Cooler City, Cotti dường như đang “làm lại” cuộc chơi trà sữa tại Việt Nam. Kéo theo đó, một cuộc chiến giá rẻ bắt đầu, và trong đó thương hiệu cũ như Toco Toco lại đang thất thế.
Tocotoco, ra mắt cửa hàng đầu tiên vào năm 2013 với chủ trương ngay từ đầu là sử dụng nông sản Việt để làm đồ uống. Định vị thương hiệu là “trà sữa made in Việt Nam”, TocoToco nhanh chóng phủ rộng điểm bán với hơn 700 cửa hàng trải dài từ Nam ra Bắc và sự hiện diện tại nhiều thị trường quốc tế như Mỹ, Úc, và Nhật Bản.
Các chương trình khuyến mãi của TocoToco thường rất đa dạng mang lại cho khách hàng nhiều cơ hội trải nghiệm đồ uống ngon với mức giá ưu đãi. Các hình thức giảm giá thường xuyên như mua 1 tặng 1, free trân châu, giảm giá trên tổng hóa và các voucher giảm giá….
Theo Vietdata, mặc dù TocoToco đã có sự tăng trưởng ấn tượng từ năm 2021 đến 2022 (tăng gần 50%), trước khi sụt giảm mạnh trong năm 2023. Cụ thể, doanh thu thuần năm này chuỗi đạt đạt gần 380 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2022.
Tuy nhiên, TocoToco đã lỗ cả năm 3 gần đây, đỉnh điểm là năm 2023.
Theo Vietdata, Mixue đã đạt được tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng trong năm 2023 với doanh thu gần 1.260 tỷ đồng, tăng hơn 160% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng tăng mạnh, tăng hơn 200% so với năm trước, vượt cả KOI Thé và Phê La.
Mixue là chuỗi cửa hàng nổi tiếng từ Trung Quốc, được thành lập vào năm 1997 bởi Zhang Hongchao. Mixue vào Việt Nam từ năm 2018, bắt đầu tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM. Nhờ mô hình nhượng quyền, đến năm 2023, số lượng cửa hàng của họ đã vượt 1.000.
Sản phẩm chủ lực của Mixue là trà sữa và kem, nổi bật với lợi thế cạnh tranh về giá cả phải chăng, trung bình rơi vào khoảng từ 25.000 – 35.000 đồng. Đây là mức giá được đánh giá là khá rẻ so với sản phẩm tương đương trên thị trường.
Theo giới quan sát, Mixue có sự thay đổi vô cùng linh hoạt tại thị trường Việt Nam, khi thị trường trà sữa đạt đến ngưỡng bão hòa thì Mixue liền chuyển sang kem tươi thành sản phẩm chủ đạo, tinh gọn menu trà sữa, lấy yếu tố giá cạnh tranh đánh vào tệp khách hàng học sinh, sinh viên.
Nhiều chuỗi cửa hàng đến từ Trung Quốc khác cũng đang có những bước tiến tương tự. Cooler City – chuỗi F&B “đồng hương” của Mixue, cũng vừa “tham chiến” tại thị trường Hà Nội, với mô hình có nhiều điểm tương đồng với Mixue. Cũng định vị mình là chuỗi kem và trà sữa, lấy kem làm sản phẩm phễu. Và mô hình nhượng quyền tiếp tục là bệ phóng cho Cooler City. Dù mới tiến vào thị trường Việt Nam từ tháng 3/2023 nhưng đã lập tức mời gọi các nhà đầu tư mua nhượng quyền.
Cooler City được thành lập từ năm 2018, là thương hiệu thuộc Tập đoàn Boduo (Chiết Giang, Trung Quốc). Boduo có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành đồ uống và thực phẩm, sản xuất và cung cấp nguyên liệu pha chế. Trước khi gia nhập thị trường Việt Nam, Cooler City đã sở hữu mạng lưới 2.000 cửa hàng tại Trung Quốc, Indonesia, Philppines,.., cũng nhờ hình thức nhượng quyền.
Hay Cotti Coffee, một chuỗi cà phê của Trung Quốc, cũng vừa vào Việt Nam vào tháng 12/2023. Cotti đã mở rộng nhanh chóng với khoảng 7.000 cửa hàng tại Trung Quốc kể từ khi ra mắt năm 2022 và đang là nhân tố chính trong cuộc cạnh tranh về giá cả.
Ở diễn biến khác, các thương hiệu thực phẩm và đồ uống Trung Quốc đang đối mặt với áp lực giảm phát trong nước, buộc họ phải giảm giá. Với dự báo thị trường trong nước sẽ thu hẹp trong tương lai do tỷ lệ sinh giảm, các công ty này ngày càng chú trọng đến thị trường Đông Nam Á đang phát triển.
Trước sự đổ bộ này, một số người lo ngại rằng các thương hiệu Trung Quốc giá rẻ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ngành thực phẩm và đồ uống trong nước. Ông Charoen Kaowsuksai, Chủ tịch phân ngành thực phẩm và đồ uống tại Liên đoàn Các ngành công nghiệp Thái Lan, cho biết sự gia tăng nhanh chóng của các chuỗi cửa hàng Trung Quốc giá rẻ sẽ gây thiệt hại cho các nhà hàng địa phương.
Nguồn: https://cafef.vn/